Các trường phái lý thuyết chính trong nhân học

Vào giữa thế kỷ 19, khi các nhà nhân học bắt đầu thu thập dữ liệu về các nền văn hóa khác nhau, nảy sinh một nhu cầu là họ cần có chỗ dựa lý thuyết để giải thích sự khác biệt và tương đồng giữa các nền văn hóa. Chính nhu cầu này là tiền đề cho sự phát triển của các thuyết nhân học. Vậy thuyết là gì? Diễn giải một cách đơn giản, thuyết là mô hình về mối quan hệ giữa hiện tượng tự nhiên hay xã hội. Thuyết cho phép chúng ta quy nạp các hiện tượng thực tế thành các quy tắc tóm tắt. Một lý thuyết tốt là một lý thuyết có thể giải thích được nhiều hiện tượng, có thể tiên đoán được các hiện tượng mới và được thực nghiệm chứngCác thuyết sẽ cho phép các nhà nhân học học diễn dịch được các nền văn hóa ở các vùng khác nhau trên thế giới. Thậm chí các thuyết chưa được chứng minh, gọi là giả định (hypothesis) cũng có tính hữu dụng với các nhà nghiên cứu. Nó sẽ là nền tảng cho các nghiên cứu sâu hơn trong thực tế. Các thuyết nhân học cố gắng trả lời các câu hỏi dạng như: Tại sao tộc người đó lại hành xử như vậy? và Họ đại diện cho sự đa dạng văn hóa của loài người như thế nào? Các câu hỏi đó là định hướng cho các nhà nhân học thế kỷ 19 và thậm chí ngày nay. Phần tiếp theo sẽ trình bày các trường phái thuyết chính của Nhân học văn hóa theo trình tự thời gian phát triển của chúng bắt đầu từ giữa thế kỷ 19. Ngày nay, có trường phái, ví dụ như Truyền bá văn hóa (Diffusionism) đã không còn thu hút được sự quan tâm của giới học giả; hoặc được cải biên ví dụ như Tiến hóa (Evolusionsim); hay như trường phái Chức năng (Functionsim) vẫn được đa số ủng hộ… Tuy nhiên, cần nhớ rằng các trường phái thuyết đương đại phát triển dựa trên nền tảng của các trường phái cũ chứ không phải là loại bỏ hoàn toàn. Trong mục này, người viết sẽ giới thiệu sơ lược về các trường phái lý thuyết chính của nhân học, bao gồm:

  • Tiến hóa văn hóa
  • Thuyết truyền bá văn hóa
  • Thuyết Đặc thù lịch sử Mỹ
  • Trường phái chức năng
  • Nhân học tâm lý
  • Trường phái tân tiến hóa
  • Trường phái cấu trúc Pháp
  • Trường phái Duy vật văn hóa
  • Hậu hiện đại

1. Tiến hóa văn hóa

Tất cả các nền văn hóa đều trải qua các giai doạn phát triển giống nhau theo một trật tự nhất định.

Vào giữa thế kỷ 19, trường phái được các nhà nhân học văn hóa hiện đại đầu tiên, Edward Taylor, người được coi là ông tổ của nhân học hiện đại, và Lewis Henry Morgan, giới thiệu. Theo thuyết này mọi nền văn hóa đều trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau theo cùng một hướng nhất định. Thuyết này sử dụng cách tiếp cận suy diễn, áp một thuyết chung cho mọi nền văn hóa. Thuyết tiến hóa được các đế quốc thực dân sử dụng để thanh minh cho công cuộc thuộc địa hóa các vùng đất mới ở Châu Á, Châu Phi… dưới chiêu bài “Khai sáng văn minh” cho các dân tộc thuộc địa, mà dưới thuyết này được xem là đang ở các bậc thang tiến hóa thấp hơn số với các xã hội phương Tây.

2. Thuyết truyền bá văn hóa

Sự biến đổi văn hóa của mọi xã hội là kết quả của sự vay mượn văn hóa từ các xã hội khác.

Grafton Elliot Smith và W.J. Perry ở Anh, Fritz Graebner và Wilhelm Schmidt ở Đức và Áo là các nhà nhân học tiêu biểu cho trường phái này. Tuy nhiên trường phái này có nhiều điểm không logic hoặc không lý giải được nhiều câu hỏi. Dù không thể phủ nhận vai trò quan trọng của truyền bá văn hóa (cultural difusion), nhưng các nhà nhân học của trường phái này, đặc biệt là Smith và Perry đã làm cho khái niệm này trở nên vô lý khi tuyên bố rằng tất cả mọi công nghệ tồn tại trên thế giới này: cung tên, làm gốm… đều có nguồn gốc từ Ai Cập cổ đại. Hơn thế nữa, mặc dù thu thập được các bằng chứng lịch sử nhưng họ cũng không chứng minh được các trung tâm phát minh chính của thế giới. Thậm chí họ cũng không thể lý giải một cách thuyết phục những câu hỏi liên quan tới quá trình truyền bá văn hóa, ví dụ: Khi nào các nền văn hóa tiếp xúc với nhau? Tại sao một vài công nghệ thì được truyền bá trong khi phần còn lại thì không? Điều kiện cần thiết cho quá trình truyền bá văn hóa diễn ra là gì? Nhân tố nào có ảnh hưởng tới tốc độ truyền bá của một công nghệ / vật trong một khu vực địa lý? Cũng như thuyết tiến hóa thuyết này bị chỉ trích vì áp dụng cách tiếp cận suy diễn cũng như quá nhấn mạnh khái niệm truyền bá.

3. Thuyết Đặc thù lịch sử Mỹ

Đề cao tính riêng biệt của mỗi nền văn hóa và nghiên cứu thực địa

Vào điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ, trường phái Đặc thù lịch sử được giới thiệu, được xem như sự đáp lại với cách tiếp cận suy diễn của hai trường phái Tiến hóa và Truyền bá. Franz Boas (1858-1942), một nhà nhân học gốc Đức được đào tạo bài bản về cả Vật lý và Địa lý, được xem là người sáng lập ra trường phái này. Thuyết này chú trọng cách tiếp cận quy nạp nên đề cao công tác nghiên cứu thực địa. Thuyết này đặt nền móng cho chủ nghĩa tương đối văn hóa khi cho rằng mỗi nền văn hóa, trong một chừng mực nào đó là, độc nhất. Do đó các nhà nhân học nên đồng hóa bản thân để nhìn mỗi nền văn hóa theo cách mà người bản địa nhìn.

4. Trường phái chức năng

Xã hội như là một cơ thế sống trong đó mọi cơ quan có liên quan chặt chẽ với nhau.

Cũng vào cùng giai đoạn với Boas Mỹ, Bronislav Malinowski (1884-1942) cũng bắt đầu quá trình đặt nền tảng “thực chứng” cho nghành Nhân học ở Anh. Giống như Boas, Ông là người tích cực ủng hộ công tác thực địa. Cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học bản ngữ và cố gắng khám phá một nền văn hóa từ góc độ của người bản xứ. Tuy nhiên giữa hai người cũng có sự khác biệt.Khác với Boas, Malinowski không quan tâm tới nguồn gốc và cách thức hình thành của các yếu tố văn hóa cụ thể (công nghệ, tập tục…). Ông tập trung vào nghiên cứu việc các nền văn hóa đương đại vận hành như thế nào. Theo quan điểm của Ông, văn hóa là phương tiện để thỏa mãn các nhu cầu của các cá nhân riêng biệt và cộng đồng nói chung. Do đó, mọi vật thể văn hóa (hữu hình hay vô hình) đều có ý nghĩa và chức năng cụ thể nhằm phục vụ cho các cá nhân riêng rẽ hay xã hội nói chung. Công việc của các nhà nhân học, theo Ông là “hòa nhập” vào nền văn hóa đó, bao gồm cả việc học bản ngữ, để khám phá các chức năng đó. Đó là lý do mà cách tiếp cận của Ông được đặt tên là trường phái Chức năng.

5. Nhân học tâm lý

Các nhà nhân học cần khám phá mối liên hệ giữa tâm lý cá nhân và văn hóa.

Vào những thập kỷ 20 và 30 của thế kỷ 19, một số nhà nhân học Mỹ, bao gồm cả các học trò của Boas, bắt đầu quan tâm với việc nghiên cứu mối quan hệ giữa các cá nhân và văn hóa. Họ quan tâm tới các câu hỏi như: Tính cách đóng vai trò như thế nào trong việc hình thành hành vi của con người? Có nên xem tính cánh như là một phần của văn hóa không? Nó có liên quan tới các khía cạnh khác của văn hóa thế nào? Kết hợp trường phái tâm lý cấu trúc và Freud và Gestalt vào nghiên cứu văn hóa, các nhà nhân học bắt đầu với việc nghiên cứu nghiên cứu mối liên hệ giữa việc nuôi dạy trẻ và sự hình thành tính cách ở các nền văn hóa khác nhau. Họ đi đến kết luận là việc nuôi nấng trẻ (tồn tại ở mọi nền văn hóa) có ảnh hưởng tới sự phát triển tính cách, và đến lượt tính cách có ảnh hưởng tới văn hóa.

Sự nuôi nấng => Tính cách => Văn hóa

Margaret Mead (1901-1978), học trò của cả Benedit và Boas, đánh đặt dấu ấn đầu tiên trong lĩnh vực tính cách và văn hóa bằng nghiên cứu về “Những vấn đề tâm lý ở trẻ vị thành niên Mỹ”. Vào thời điểm đó các nhà tâm lý cho rằng những vấn đề tâm lý ở trẻ vị thành niên là do nhân tố sinh học xảy ra ở độ tuổi thành niên và nó tồn tại ở mọi nền văn hóa. Để kiểm chứng, năm 1925 Bà tới Samoa để nghiên cứu liệu các “căng thẳng” ở vị thành niên có xảy ra ở mọi nền văn hóa (do yếu tố sinh học) hay do văn hóa quyết định. Trong tác phẩm đầu tay, Tuổi dậy thì ở Samoa (Coming of Age) xuất bản năm 1928, Bà cho biết quan điểm thông thoáng của gia đình và đời sống tình dục tự do là nguyên nhân cho sự khác biệt tâm lý ở độ tuổi dậy thì giữa trẻ ở Mỹ và Samoa. Do đó, Bà đi đến kết luận là sự căng thẳng ở trẻ thành niên ở Mỹ là do yếu tố văn hóa hơn là yếu tố sinh học, quan điểm phổ biến bấy giờ.

6. Trường phái tân tiến hóa

Một nền văn hóa tiến hóa theo tỉ lệ thuận với khả năng kiểm soát năng lượng của nó. Các điều kiện môi trường có ảnh hưởng tới sự hình thành văn hóa.

Vào đầu thập kỷ 30s, Leslie White (1900-1975), một nhà nhân học văn hóa được đào tạo theo trường phái của Boas, đã lật lại thuyết Tiến hóa. Theo Ông, đây là một học thuyết hữu dụng nhưng thiếu dữ liệu chứng minh. Ông cũng tin là văn hóa tiến hóa từ đơn giản đến phức tạp, và tiến hóa văn hóa, như tiến hóa sinh học, là có thật. Đóng ghóp của ông cho trường phái Tiến hóa là đề xuất được nguyên nhân tiến hóa mà Ông gọi là “Quy luật cơ bản của tiến hóa”. Theo thuyết “Tân tiến hóa” của Leslie, văn hóa tiến hóa khi mà con người có thể tăng được nguồn lực dưới sự điều khiển của họ. Trong phần lớn lịch sử của mình, loài người chỉ dựa vào săn bắn hái lượm, và nguồn lực chính chỉ là sức người. Nhưng với sự xuất hiện của sức kéo từ các động vật thuần hóa: trâu, bò, ngựa… máy hơi nước, động cơ đốt trong, năng lượng hạt nhân, nguồn lực dưới sự kiểm soát của con người đã tăng một cách vượt bậc. Ví dụ một cách cụ thể, nguồn lực mà một người đàn ông khỏe mạnh sản sinh một ngày chỉ bằng một phần nhỏ của sức ngựa, trong khi đó nguồn năng lượng giải phóng từ 1 kg u-ra-ni-um trong lò phản ứng tương đương với 33 tỉ sức ngựa. Ông đề xuất ra công thức sau:

C = E × T

Trong đó C là văn hóa E là năng lượng và T là công nghệ. Hiểu một cách đơn giản tiến bộ công nghệ và khả năng kiểm soát năng lượng ngày càng tăng là động lực cho tiến hóa văn hóa. Một nhà nhân học khác có cùng quan điểm với White là Julian Steward. Ông cũng quan tâm tới mối liên hệ giữa tiến hóa văn hóa và môi trường. Nhưng Ông xem cách tiếp cận của White, tập trung vào văn hóa loài người nói chung, là quá chung chung. Theo Ông điểm yếu của học thuyết của White là chưa giải thích được tại sao một vài nền văn hóa tiến hóa thông qua tăng nguồn năng lượng còn các nền văn hóa khác thi không. Diễn giải theo cách khác, White quan tâm tới văn hóa nói chung, còn Steward quan tâm tới các nền văn hóa cụ thể hay các nhóm văn hóa cụ thể.

Ông phân chia tiến hóa thành ba loại:

  • Độc đạo: do Tylor và Morgan đại diện, đặt các nền văn hóa vào một con đường tiến hóa đơn nhất.
  • Phổ quát: do White đại diện, cố gắng phát triển định luật có thể áp dụng cho toàn bộ văn hóa loài người.
  • Đa đạo; tập trung vào sự phát triển của các nền văn hóa cụ thể mà không giả định là tất cả các nền văn hóa theo một quá trình tiến hóa đơn nhất.

Cách tiếp cận của Ông dựa trên việc phân tích mối liên hệ giữa văn hóa và môi trường. Ông giả thuyết rằng các nhóm người sống trong các điều kiện tự nhiên tương tự, sẽ phát triển các công nghệ tương tự, và sự tương đồng về công nghệ sẽ dẫn đến sự tương đồng trong thể chế chính trị và xã hội. Ví dụ trong các nền nông nghiệp cổ đại, tưới tiêu là giải pháp được chọn để đối mặt với môi trường khô hạn. Mặc dù môi trường là một nhân tố quan trọng trong học thuyết nhưng Steward không phải là là người theo trường phái duy môi trường (xem môi trường là nhân tố không thể thiếu). Với việc tập trung nghiên cứu mối lên hệ giữa con người – môi trường – văn hóa, Ông được xem là người tiên phong và dẫn đầu trong việc nghiên cứu Sinh thái học văn hóa (Cultural Ecology).

7. Trường phái cấu trúc Pháp

Văn hóa do một số mã được lập trình sẵn trong não bộ người quyết định.

Không có trường phái lý thuyết nào mà gần như chỉ gắn với tên tuổi một cá nhân giống trường phái Cấu trúc Pháp và Claude Levi-Strauss (1908-). Mặc dù cả Radcliffe Brown và Levi-Strauss đều được gọi là các nhà nhân học cấu trúc, nhưng cách tiếp cận của họ có sự khác biệt lớn. Trong khi Radcliffe tập trung vào nghiên cứu các phần của xã hội hoạt động thế nào trong tổng thể chung, thìLevi-Strauss tập trung bào nghiên cứu cấu trúc trí tuệ / tinh thần nằm dưới các hành vi xã hội. Đối với Ông, dân tộc học có vẻ nghiêng về tâm lý hay nhận thức hơn là xã hội. Theo trường phái này văn hóa do một số mã được lập trình sẵn trong não bộ người quyết định hơn là do các yếu tố bên ngoài.

8. Trường phái Duy vật văn hóa

Các điều kiện vật chất quyết định suy nghĩ và hành vi của con người. Nghiên cứu nên dựa trên dữ liệu thực chứng hơn là cách giải thích của người bản địa.

Gắn liền với tên tuổi của Marvin Harris (1927-2001), trường phái này dựa trên giả định rằng các điều kiện vật chất hay phương thức sản xuất quyết định hành vi và suy nghĩ của con người. Theo cách tiếp cận này, nhiệm vụ chính của các nhà nhân học là tìm cách giải thích sự tương đồng và khác biệt giữa hành vi và suy nghĩ của các nhóm người. Harris và các đồng sự xem các nhân tố vật chất có vai trò quyết định. Thuyết này dựa trên hai giả định chính. Thứ nhất, mọi cấu phần của xã hội có liên quan chặt chẽ với nhau. Sự thay đổi ở bất cứ phần nào cũng sẽ tạo ra sự biến đổi tương ứng ở các cấu phần khác. Giả định thứ hai và là cốt lõi của trường phái này là môi trường sống có vai trò quyết định trong việc hình thành văn hóa. Mọi nền văn hóa, dưới góc độ của trường phái này được chia thành ba cấu phần:

  • Hạ tầng xã hội gồm dân số; các nhu cầu sinh học (ăn, ở, mặc… ) của con người; và các nguồn lực (lao động, công cụ và công nghệ)
  • Trung tầng xã hội gồm hình mẫu tổ chức: tổ chức chính quyền, giáo dục, tổ chức sản xuất..
  • Thượng tầng xã hội gồm có các thiết chế xã hội như luật, tôn giáo, chính trị, nghệ thuật, khoa học……

Nội dung của hạ tầng xã hội có ảnh hưởng tới trung tầng xã hội, rồi tới Thượng tầng xã hội. Bất cứ sự thay đổi nào ở hạ tầng xã hội đều dẫn đến sự thay đổi ở trung tầng và thượng tầng. Một điểm khác biệt của trường phái này so với các trường phái hiện hành bấy giờ là nhấn mạnh việc có một cách tiếp cận etic (đưa ra kết luận giữa trên thực chứng) hơn là emic (nhìn nhận như người bản địa.)

9. Hậu hiện đại

Kêu gọi các nhà nhân học chuyển từ quy nạp văn hóa và xây dựng các thuyết văn hóa sang mô tả, diễn dịch văn hóa với sự tham gia của hơn một nhà nhân học cũng như người bản địa trong quá trình nghiên cứu.

Các bậc tiền bối của Nhân học trong thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã có công trong việc đưa ra cách giải thích mới về văn hóa và hành vi của con người thay cho cách giải thích thần học đương thời. Trong phần lớn thế kỷ 20, các nhà nhân học dù thuộc trường phái nào đều áp dụng cách tiếp cận thực chứng khoa học trong nghiên cứu: thu thập dữ liệu, kiểm tra giả thuyết, tìm mối quan hệ nhân quả….Tuy nhiên vào thập kỷ 70 và 80, một số nhà nhân học, được gọi chung là các nhà nhân học hậu hiện đại, đặt dấu hỏi cho bản chất khoa học của nghành nhân học đương thời. Mặc dù khái niệm các nhà nhân học hậu hiện đại có ý nghĩa khác nhau với người khác nhau, nhưng họ có nguồn gốc từ các trường phái cấu trúc (structuralism), diễn dịch (interpretative anthropology) và nữ quyền (feminist).

Họ nghi ngờ về khả năng các nhà nhân học hiện đại có thể xây dựng một thuyết chung cho sự phát triển văn hóa của loài người. Theo họ, các nhà nhân học đương thời quá “kiêu ngạo” khi nghĩ rằng mình có thể mô tả, diễn dịch và giải thích cuộc sống của những người ở nền văn hóa khác mình. Về bản chất khoa học của nhân học đương thời, theo họ nó chỉ phản ảnh sự mất cân bằng về quyền lực giữa nước giàu và nước nghèo, giữa các nước thuộc địa và nước xâm chiếm thuộc địa nơi mà các nghiên cứu được khởi nguồn. Theo họ các nhà nhân học nam giới có gốc Âu Mỹ không thể thoát ra khỏi nền văn hóa của họ để làm những nghiên cứu có khách quan. Do đó các nghiên cứu mô tả dân tộc học bị kinh nghiệm và trình độ chủ quan của các nhà nhân học chi phối. Các nhà nhân học hậu hiện đại kêu gọi một cách tiếp cận có tính “tập thể, có sự tham gia” hơn trong nghiên cứu, đối thoại thay vì độc thoại như hiện tại. Tức là một nghiên cứu nhân học nên do một nhóm, thay vì một nhà nhân học làm vì hiện này và trong đó đối tượng nghiên cứu cũng có chỗ để đối thoại với người nghiên cứu họ. Một điểm khác của các nhà nhân học hậu hiện đại là họ phản đối việc xây dựng mọt thuyết chung cho sự tiến hóa văn hóa. Họ nhấn mạnh tính đơn nhất của các nền văn hóa. Họ xem văn hóa như một tập hợp luôn thay đổi của các ý nghĩa do các thành viên xã hội xây dựng. Do đó nó đòi hỏi sự liên tục trong nghiên cứu và diễn dịch.

BẢNG TÓM TẮT CÁC TRƯỜNG PHÁI LÝ THUYẾT CHÍNH

Trường phái

Điểm chính

Người sáng lập

Tiến hóa Mọi xã hội đều trải qua các giai đoạn phát triển nhất định Tylor, Morgan
Truyền bá Thay đổi văn hóa của xã hội là kết quả của sự vay mượn từ xã hội khác Graebner, Smith
Đặc thù lịch sử Công tác thực địa phải được tiến hành trước việc xây dựng thuyết. Boas, Kroeber
Chức năng Các hợp phần của văn hóa phối hợp với nhau để phục vụ như cầu của con người Mlinowski
Chức năng Các nhân tố văn hóa hoạt động với nhau thế nào để đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội Radcliffe Brown
Nhân học tâm lý Tìm hiểu mối quan hệ giữa tâm lý và văn hóa Benedict Mead
Tân tiến hóa Tiến hóa văn hóa phụ thuộc vào khả năng kiểm soát năng lượng. White, Steward
Cơ cấu Pháp Các nền văn hóa do các mã được quy định sẵn trong trí óc con người quyết định Lévi-Strauss
Duy vật văn hóa Các điều kiện vật chất quyết định ý thức và hành vi của con người Marvin Harris
Hậu hiện đại Hành vi của con người bắt nguồn từ cách con người hiểu và phân loại thế giới xung quanh Geertz

 Tổng hợp và biên soạn: Tùng Nguyễn

Nhân học là gì?

Nhân học là ngành khoa học cơ bản, độc lập, xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ XIX, là ngành phổ biến ở những nước nói tiếng Anh. Ngành học này có đối tượng nghiên cứu là con người, nghiên cứu mọi hình thái sinh học, kinh tế – xã hội – văn hóa của con người trong các cộng đồng cư dân, dân tộc với những nếp sống khác nhau và trong nhiều thời kỳ khác nhau.

Về phương pháp, ngành Nhân học (cụ thể là Nhân học văn hóa – xã hội) ở những nước nói tiếng Anh tuy có chiều hướng tổng hợp phương pháp định tính và định lượng của tất cả các ngành khoa học xã hội khác (gồm kinh tế học, xã hội học, chính trị học, tâm lý học, và sử học), nhưng đòi hỏi phải khởi đầu bằng phương pháp quan sát – tham dự sâu tại một – hai cộng đồng hay nhóm từ một năm trở lên và cần thông thạo ngôn ngữ địa phương nơi mình đi điền dã.

Về đối tượng nghiên cứu, từ hơn nửa thế kỷ qua, những nghiên cứu Nhân học ở xã hội công nghiệp hiện đại trong những nơi sản xuất hay dịch vụ (gồm cả ngân hàng, nhà máy công nghiệp cao), và ở những dân tộc có công nghiệp phát triển cao (như Hoa Kỳ, Nhật Bản) không còn là hiếm. Ngoài ra, ngành Nhân học văn hóa – xã hội ở những nước nói tiếng Anh vẫn còn nghiên cứu về những cộng đồng sinh sống bằng hái lượm hay nương rẫy quảng canh, bởi vì ngành Nhân học nghiên cứu mọi hình thái kinh tế – xã hội, văn hóa của con người, tuy nhiên những công trình ở các cộng đồng này không còn chiếm đa số so với những công trình nghiên cứu trong ngành.

Về vị trí của ngành Nhân học, ở Bắc Mỹ châu, ngành Nhân học có mối quan hệ hữu cơ với rất nhiều ngành khoa học khác đến độ khó phân biệt ranh giới giữa các ngành về mặt chủ đề. Điều này được phản ánh qua cách tổ chức phân ngành trong Nhân học văn hóa – xã hội như Nhân học sinh thái môi trường; Nhân học y tế; Nhân học kinh tế; Thân tộc và tổ chức xã hội; Nhân học chính trị và pháp luật; Nhân học tâm lý và nhận thức; Nhân học tôn giáo và nghi lễ; Nhân học nghệ thuật và biểu tượng, v.v… Người ta cũng thấy rõ mối quan hệ giữa các phân ngành trong Nhân học khi nghiên cưu như phân ngành Nhân học kinh tế có mối quan hệ với phân ngành Kinh tế phát triển(Development economics) trong Kinh tế học có mối quan hệ với Xã hội học kinh tế (Economic sociology) trong xã hội học, và cũng có mối quan hệ không kém mật thiết với Kinh tế chính trị học (Political economy) so với các ngành khác trong Nhân học văn hóa – xã hội. Ngay cả khái niệm Văn hóa tổ chức (Oganizational culture) hay Văn hóa doanh nghiệp (Firm culture) mà các nhà điều hành và quản lý doanh nghiệp Âu Mỹ quen thuộc cũng là một khái niệm mà ngành Nhân học văn hóa – xã hội đã có những đóng góp đáng kể trong việc triển khai, dựa vào những công trình nghiên cứu cụ thể.

Hiện nay hầu hết các trường đại học trên thế giới, kể cả các nước Đông Nam Á đều có chương trình đào tạo ngành Nhân học ở bậc Đại học và Sau đại học, đây là một ngành khoa học độc lập, ngang hàng với các ngành khoa học xã hội khác.

Tại Việt Nam trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học trước đây không có ngành Nhân học (Anthropology) mà chỉ có ngành Dân tộc học (Ethnology), ảnh hưởng chủ yếu từ các trường phái khoa học của Pháp, Liên Xô cũ (nước Nga hiện nay)… Ngành Dân tộc học ở nước ta có nhiều thành tựu lớn về nghiên cứu khoa học, có nhiều đóng góp trong vấn đề đào tạo giảng dạy. Còn về tổ chức và chương trình đào tạo thì ngành Dân tộc học của các đại học ở Việt Nam trước đây là một trong ba chuyên ngành thuộc Khoa học Lịch sử. Trong chương trình 4 năm đại học thì hai năm rưỡi đầu đào tạo cho sinh viên những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn; về sử học; Còn một năm rưỡi sau sinh viên mới được học chương trình Dân tộc học, nhưng vẫn là một chương trình ảnh hưởng nhiều của ngành Sử học. Còn ở bậc Sau đại học (đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ) cũng vậy, chương trình chỉ hạn chế từ 7 đến 10 học phần về chuyên ngành Dân tộc học, còn lại chỉ là các môn chung và Sử học. Do đó việc đào tạo ngành Dân tộc học ở bậc đại học nước ta trước đây không mạnh vì không được hoạt động độc lập và không được xem là ngành khoa học ngang bằng với các ngành khoa học khác.